Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn driver loa

Việc sử dụng driver nào cho loa không chỉ là lựa chọn ngẫu nhiên. Có không ít các yếu tố kỹ thuật tác động đến những lựa chọn này.

Rất nhiều kỹ sư dựa vào trực giác và kinh nghiệm khi chọn một driver từ phía các nhà cung cấp độc lập. Điều kiện tiên quyết cho lựa chọn trước hết phải bắt đầu từ việc kỹ sư đã quen và hiểu được nhiều loại driver khác nhau cùng biến thế của chúng. Sau đó, dựa vào một loạt các tiêu chí hay thậm chí cả hạn chế như giới hạn đáp tuyến tần số, hướng tính, khả năng chịu công suất tối đa, vật liệu, kích thước… mà kỹ sư đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đôi lúc vẫn có những ngoại lệ nhất định.

Chẳng hạn, các driver màng nón, đường kính từ 160mm đến 200mm, có chất lượng tốt hơn thường được sản xuất tại Vương Quốc Anh. Những driver này có thông số khá ấn tượng, đáp tuyến tần số mở rộng tới tên 5kHz, vượt qua hẳn những gì mà driver màng nón ở nơi khác có thể làm được. Điều này cho phép các kỹ sư đặt điểm phân tần ở khoảng 3kHz – 4kHz một cách dễ dàng, đủ để sử dụng các driver màng vòm đường kính 19mm hoặc 25mm phục vụ cho mục đích chơi các dải cao. Một số thiết kế cổ điển với mức năng lượng âm thanh đầu ra hạn chế từng được sản xuất trong khoảng thời gian khá dài, bên cạnh những sản phẩm khác, trong đó có thể kể đến một số cái tên cho đến nay vẫn được biết đến như KEF Electronics R103, R104…), Spendor Audio Systems (BC1, SP1, SP2) và Rogers (LS7, Studio One). Càng về sau, thị trường càng có xu hước dịch chuyển, với thùng loa ngày càng nhỏ hơn, driver midwoofer cũng ngày càng bé hơn, thậm chí kích thước 110mm vẫn xuất hiện.

Phản ứng của màng nón cho thấy màng loa cỡ lớn, khoảng 200mm sẽ hoạt động ở chế độ vỡ tiếng (tức màng nóng loa bị biến dạng, không còn di chuyển với quỹ đạo hình piston nữa) khi chơi các dải âm từ 600Hz, và thực ra trường hợp này cũng rất hay gặp. Tuy nhiên, những đặc điểm nhất quán cụ thể của màng nón làm từ vật liệu tổng hợp đã cho phép kỹ sư thiết kế kiểm soát hiệu quả hiện tượng vỡ tiếng, đến mức có thể làm phẳng khoảng đáp tuyến tần số thêm 3 quãng tám nữa. Đây là điều mà màng nón làm từ giấy/bột giấy thông thương không thể làm được, từ đó dẫn đến hậu quả phải thêm một driver midrange để có thể cắt tần cho driver woofer ở tần số 1kHz, sau đó thêm một driver nữa để có thể tái hiện lại các dải cao, từ đó hoàn thành được phổ tần số.

Màng loa nón làm từ bột giấy hiện nay đang gặp phải thách thức lớn từ màng làm từ vật liệu tổng hợp. Dù vậy, trong những năm gần đây, có thể thấy thế hệ màng nón giấy mới hiện nay có khả năng kiểm soát tốt, với chất âm hay hơn và thường có độ nhạy cao hơn màng làm từ polymer đúc khuôn. Một số các màng driver midwoofer hiện nay có thể tái hiện tốt các tần số cao hơn cả 4kHz. Tất nhiên, màng loa chất lượng tốt giá thành cũng sẽ đắt đỏ. Hiện tại, giới thiết kế loa có thêm xu hướng sử dụng màng sợi dệt, kết dính bằng keo resin, với nhiều loại chất liệu như sợi thủy tinh, sợi Kevlar hay sợi carbon.

Nhu cầu tạo ra các dải tần số đủ thấp để có thể làm nên một hệ thống chất lượng cao đòi hỏi kích thước của woofer tối thiểu phải là 250mm hoặc 300mm đường kính, hoặc sử dụng nhiều driver cỡ nhỏ cùng lúc (việc chỉ dùng một driver có đường kính 200mm thường bị cho là chưa đủ âm lượng cho mục đích kiểm âm, trừ khi áp dụng một số kỹ thuật tối ưu hóa khác). Thiết kế ba đường tiếng ngoài tác động đến tần số cũng ảnh hưởng tới trở kháng của loa.

Yếu tố cuối cùng được cân nhắc là chi phí. Ngày nay, những thương hiệu loa ở Mỹ, Canada, Anh, thậm chí ở Đức rất hiếm khi tự sản xuất driver cho sản phẩm của mình. Thậm chí họ còn không thực hiện lắp ráp trong phân xưởng nữa. Thay vào đó, các hãng chuyển sang “tự thiết kế” những driver “được làm độc quyền cho họ.”  Nếu người sử dụng tinh ý một chút nhìn vào tờ quảng cáo hoặc thông tin trên sách hướng dẫn, trang web mà mình yêu thích, 80% họ sẽ gặp được những dòng chữ như vậy. Các kỹ sư thiết kế của dự án, dựa vào các báo cáo đánh giá và nhu cầu từ thị trường của bộ phận marketing, sẽ quyết định xem họ cần một driver mới hay chỉ cần sử dụng driver từ các sản phẩm trước là đủ. Tuy nhiên, khi quyết định sử dụng driver mới, bên hãng sản xuất cũng không đảm bảo được rằng nhà cung cấp có thể làm đúng yêu cầu của họ. Rất nhiều nhà cung cấp driver, thậm chí ngay cả những hãng sản xuất có tên tuổi lớn trên thị trường, trước tiên sẽ thử gửi driver có sẵn.

Sở dĩ họ làm vậy bởi cách này rất nhiều lần đã thành công. Nếu như có một driver có sẵn sở hữu các thông số gần với yêu cầu của hãng loa, hãng loa có thể sử dụng nó và làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, vẫn hoàn thành yêu cầu ban đầu bằng cách chỉnh sửa lại phân tần hoặc một số chi tiết nhỏ trong thiết kế. Tuy nhiên, nếu như hãng loa thực sự yêu cầu rất chặt ở khoản này thì đến bước tiếp theo, hãng sản xuất driver sẽ chính thức làm việc để tạo ra được driver đúng như yêu cầu (tất nhiên không phải lúc nào cũng đáp ứng yêu cầu 100%, nhưng họ vẫn sẽ cố gắng đạt được các thông số gần với yêu cầu nhất có thể). Do chi phí dành cho driver không nhỏ nên driver thường rất ít khi thay đổi, hoặc có thể được áp dụng cho nhiều mẫu loa khác nhau chứ không chỉ cho một mẫu loa duy nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *